"Tuyệt đỉnh" bố cục trong Food Photography bằng cách sở hữu "04 chiếc kính".
Trong phần lớn các câu hỏi mà mình nhận được từ bạn đọc, bạn xem vlog, bạn lắng nghe than thở,… việc làm sao để kiểm soát bố cục một bức ảnh, cách đặt bố cục các món ăn cũng như tìm góc chụp hợp lí chiếm phần đa số.
Bởi lẽ, ở thời điểm này, một bức ảnh Food Photography đẹp được thể hiện bằng layout có phức tạp hay không, bố cục có hợp mắt nhìn hay không, câu chuyện truyền tải có thú vị hay không. Ai cũng thích cho mình một bức hình ẩm thực có bố cục đẹp, cá tính, bắt mắt, có câu chuyện thú vị hơn cả.
Những ngày đầu, mình cũng coi việc đạt được một layout đẹp như điều bắt buộc và việc thuần thục, khám phá hay thử nghiệm những bố cục mới là những điều gây hứng thú hơn cả trong Food Photography.
Với những bạn mới bắt đầu với Food Photography, cũng có khi là bà nội trợ vui tính đam mê ẩm thực,… khi tìm hiểu về bố cục trên Pinterest, mọi người có thể thấy các đường vẽ bố cục tương đối phức tạp và khó hiểu. Kiểu kiểu như dưới đây.
Những đường vẽ bố cục như vậy rất khó hiểu cho những người mới bắt đầu.
Cũng có nhiều bạn như mình, bắt chước một vài bố cục trên Pinterest để thực tập và làm quen. Nhưng sau này, khi làm việc hay cần sáng tạo thêm những bố cục mới thì rất khó khăn do đã quen với việc sử dụng reference.
“Học ăn học gói học nói học mở”. Cũng như bất cứ ngành học nào cũng học từ căn bản là tuyệt nhất. Khi đã thấm nhuần chân lí, chúng ta có thể dễ dàng tuỳ biến hơn và ít cần tham khảo hơn, bộ não được sáng tạo nhiều hơn.
Vậy làm thế nào để “tuyệt đỉnh” sắp đặt bố cục trong Food Photography bây giờ?
Sau nhiều năm làm nhiếp ảnh ẩm thực, cũng tích luỹ được một chút vốn liếng trong các dự án, mình nhận ra muốn giỏi bố cục cần phải sở hữu được “04 chiếc kính” quyền năng dưới đây. 04 chiếc kính này như một phần không thể thiếu, giữ đôi mắt và tư duy của nhiếp ảnh gia đi theo một sự định hướng nhất quán.
Nào hãy cùng mình khám phá sự ma thuật của 04 chiếc kính này và cách sở hữu được nó nhanh nhất.
Với Blog này, mình sẽ không lấy ví dụ cụ thể mà sử dụng hình vẽ minh họa mình tự làm nhằm giúp mọi người có được sự tưởng tượng thoải mái nhất.
01. Chiếc kính của một kiến trúc sư.
Mình may mắn sở hữu chiếc kính này khi vào đại học - Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Tất nhiên, bạn không cần phải lao vào kì thi Đại học khổ sở vất vả sắp tới của 12 năm đèn sách để sở hữu được chiếc kính này. Mình sẽ chỉ cho bạn cách nhìn của một Kiến Trúc sư khi đeo kính.
Với chiếc kính này, nó có “ma thuật” hướng mắt nhìn người đeo theo các hình khối chính của toàn bộ bức hình, layout, theo quy luật.
Sở dĩ, các món ăn, các đĩa đồ ăn, những chiếc thớt hay đạo cụ đặt vào khung hình đều xuất phát từ những hình khối cơ bản là tròn, vuông, tam giác... Vì thế, mình hay nhìn nó dưới dạng hình khối lớn và đặt các khối này trong khung hình sao cho hợp lí và thuận mặt.
Đặt tấm hình với bố cục chuẩn ban đầu là rất quan trọng, nó quyết định tới 80% vẻ đẹp về layout của bức hình sau này. Có những quy luật khi sử dụng kính như : quy luật cho nhận, quy luật đối xứng,... Tuy nhiên, sau một vài thời gian sử dụng, mình nhận ra một số cách đặt hình khối layout chính như dưới đây, các bạn có thể sử dụng để tham khảo.
Mình cũng thường “dùng chiếc kính” để phân tích các bố cục đẹp, sau đó tổng hợp lại thành một kho lưu trữ, lúc làm việc hay chụp hình bí bách có thể mở bí kíp ra và tham khảo dễ dàng.
02. Chiếc kính của một hoạ sĩ.
Đây là chiếc kính thú vị thứ hai và rất cần thiết để tăng sự chặt chẽ cho bất kì bức hình nào. Lúc này, bạn sẽ đeo lên mình một chiếc kính có phần điệu đà hơn để nhìn khung hình rộng hơn và thêm cho mình những đạo cụ phù hợp.
Cũng giống như hoạ sĩ, một bức tranh sau khi đã thể hiện những phác thảo cơ bản, giờ là lúc bạn cần lên những đường màu đầu tiên, những vệt màu để bức tranh trở nên hoàn chỉnh.
Bức tranh đồng quê Việt Nam dần hiện ra sinh động sau những nét cọ, những nét màu,… sự kết hợp của sắc xanh non của lúa, xanh lam của trời và xa xa là tấm áo dài trắng của 2 bạn nữ sinh.
Chiếc kính của người họa sĩ cũng phát huy tác dụng như vậy giống như việc bạn thêm từng đạo cụ, từng nguyên liệu, món ăn,… những props mà bạn đã dày công tìm kiếm để bức ảnh trở nên hoàn chỉnh, kể câu chuyện vốn có của nó.
Bạn muốn kể câu chuyện về một món ăn đến từ phương Tây, bạn sẽ thêm vào bộ dao nĩa, khăn ăn, một vài ly rượu vang, một vài cái nến cho thêm phần romantic. Bạn muốn kể câu chuyện về một món ăn Việt Nam quê mình, bạn sẽ thêm vào một vài lá chuối, bát cơm trắng hay đôi đũa mục cũ kĩ.
Dựa trên ý tưởng ban đầu, bạn sẽ thêm tất cả những gì mình mong muốn và mình thích, nếu lỡ không đẹp mình có thể bỏ ra tuỳ ý mà không cần thêm bất kì lớp màu lót nào để che đậy.
03. Chiếc kính của một nghệ sĩ.
Đây chính là chiếc kính mình thích nhất. Chiếc kính thể hiện tính cá nhân, sự khác biệt, phá cách và cá tính.
Như một người nghệ sĩ cá tính, tạo nên sự chú ý là điều mình cần quan tâm hơn cả. Vì thế, sau khi đeo chiếc kính này, mình sẽ thêm những điểm phá cách mà mình mong muốn ở bất kì đâu.
Đôi khi là một đĩa Steak được cắt một vài miếng, rưới sốt dở dang lại gây chú ý và gây kích thích vị giác hơn cả một đĩa steak hoàn chỉnh. Một chút vụn bánh mỳ ở đâu đó lại gây cảm giác giòn rụm hơn cả một miếng bánh mỳ thông thường. Một ít viền cà phê bị vô tình để lại ở mặt bàn hay một ít đá lạnh rơi ra ngoài lại tăng thêm sự chú ý và cá tính.
Mình coi đó là tính nghệ thuật. Đó là sự chân thật gợi lại vị giác. Và đó là điều gây chú ý hơn cả một bức hình hoàn chỉnh.
Hãy vận dụng khả năng nghệ thuật của bạn. Đặt ở những nơi bạn muốn, những điều bạn chú ý. Ở món ăn chính hay một món ăn kèm đơn điệu. Bạn có thể làm bất kì điều gì bạn muốn mà không có một giới hạn nào.
Mình nhớ những ngày đầu đi chụp, mình luôn nghĩ rằng, food styling là làm cho món ăn trở nên đẹp một cách hoàn hảo hơn. Đôi khi hoàn hảo một cách gò bó, bí bách và có chút phi lí.
Tuy nhiên, không phủ nhận việc cần styling đồ ăn đúng trước khi phá cách. Nhưng sau này, khi đã chụp xong tấm đầu tiên với styling và layout hoàn hảo, hãy thử phá cách chút xíu bằng việc “xúc một miếng” thật to như thể bạn đang ăn dở dang. Hiệu quả sẽ bất ngờ cho bạn đấy!
04. Chiếc kính cuối cùng - chiếc kính của một giáo viên.
Ba mẹ mình đều là giáo viên, việc chấm bài và nhận được những tập kiểm tra hàng tuần là điều rất quen thuộc với mình. Vì vậy, mình hiểu phần nào về cái nhìn của một người giáo viên.
Đây là chiếc kính cuối, chiếc kính cho điểm, đánh giá và đôi lúc là phán xét. Tất nhiên, chiếc kính này sử dụng cho chính bạn nên việc phán xét ở đây là phán xét chính cá nhân bạn, cụ thể là tấm hình của bạn.
Khi đeo chiếc kính này vào, bạn sẽ nghiêm khắc với mình hơn. Nhìn rộng hơn 3 chiếc kính còn lại để thấy được điểm nào chưa hợp lí, điểm nào quá thừa thãi, điểm nào cần làm lại hay giản lược cho hợp lí hơn.
Đừng dễ dãi với bản thân khi đeo tấm kính này.
Một chút vụn bánh là hợp lí nhưng quá nhiều vụn bánh mỳ lại thừa thãi. Một chút đạo cụ đi kèm sẽ làm cho bức ảnh thêm chặt chẽ nhưng quá nhiều lại làm bố cục rườm rà, mệt mỏi. Đôi khi, chỉ cần dịch chiếc đĩa một vài cm sang bên phải thôi lại khiến bức hình chặt chẽ hơn.
Mình bị mắc bệnh sợ bố cục lỏng lẻo khi bắt đầu với Food Photography. Mình cố gắng cho thêm tất cả những đạo cụ mà mình có, đôi khi là không hợp lí nhằm thỏa mãn tiêu chí “chặt bố cục” của bản thân.
Sau nhiều năm, mình nhận ra rằng : Sự tinh tế đi cùng với sự vừa đủ. Sự khác biệt của tinh tế và rườm rà chỉ đơn giản là giảm bớt một vài điểm nhỏ.
Hãy nghiêm khác với bản thân hơn.
Sau cùng, khi đã hiểu được quy luật của 04 chiếc kính này, mình cho phép bản thân hiểu sâu hơn, rộng ra hơn để tìm hiểu các chiếc kính khác như chiếc kính của một đầu bếp, chiếc kính của một khách hàng,...
Cuối cùng, đọc đến đây chắc bạn đọc đã phần nào hiểu rằng sự “lừa phỉnh” của mình trong việc ẩn dụ 04 chiếc kính. Không có chiếc kính thật nào ở đây cả, nói đúng ra nó là sự nhận thức, là góc nhìn một sự vật theo nhiều cách khác nhau.
Những chiếc kính này tất nhiên không thể mua được, bạn chỉ có thể sở hữu được nó khi bạn tập luyện nhiều hơn. Giống như bạn sẽ đạt được món đồ trong game sau chuỗi ngày săn boss mệt nghỉ. Nó như một phần thưởng cho sự nỗ lực và tìm tòi ở mỗi người.
Mình không phủ nhận việc bố cục đẹp là một phần cực quan trọng trong bất kì loại nhiếp ảnh nào không riêng gì Food Photography, tuy nhiên, đối với cá nhân mình, bố cục vẫn xếp sau ánh sáng, styling và food.
Hãy để lại comment của mình bên dưới để trao đổi với mình, chia sẻ cho mình nghe khó khăn của bạn. Chính những comment của bạn sẽ làm động lực cho mình cho những blog và vlog tiếp theo. Mình sẽ chọn ra câu hỏi hay để làm cho Blog và Vlog sắp tới nhé.
Nếu bạn thấy Blog này cần chuyển thành Vlog cho dễ hiểu thì cũng nhắn mình nhé. Chúc bạn chủ nhật vui vẻ!.