BLOG 14 : "Ê BỒ, ÔNG ĐẶT ÁNH SÁNG Ở ĐÂU VẬY???" - TEXTURE / PHẦN 01
Tôi nghĩ mình là một người kém tắm khoản Marketing quá. Có vẻ như là viết nhiều trên blog như này vẫn chưa đủ để định hình mọi người tôi là một Nhiếp Ảnh gia ẩm thực. Tôi vẫn thường hay nhận được mấy lời đề nghị hợp tác : Chụp công trường???? Chụp sự kiện??? Chụp nude???? Có lẽ sau Blog này tôi phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc Marketing bản thân. Ha ha. Có nên chăng lập một bản kế hoạch Marketing cá nhân cho chỉn chu nhỉ?
1 tháng trở lại đây tôi quay cuồng trong công việc đến mức khó thở. Nhưng bù lại tôi cảm thấy rất vui, không hề mệt mỏi. Mỗi sáng thức dậy lại thêm một điều mới mẻ, một sự bắt đầu mới hơn, buộc tôi phải cựa quậy bản thân để lại bước lên. Tháng 11 tôi trải qua với 2 Workshop từ tp HCM đến HN, 4 dự án nặng đô, bay ra bay vào HCM – HN 4 lần, nghĩ thôi làm tôi khiến mình vừa trải qua 1 năm dài hơn là 1 tháng, nhiều sự kiện diễn ra và giải quyết quá. Đồng hành bên tôi luôn là Meo Thuỳ Dương mạnh mẽ và bình tĩnh.Tháng 12 cuối năm bắt đầu, nhẹ nhàng hơn, tôi có nhiều thời gian hơn để dông dài và chém gió mấy thứ về Nhiếp Ảnh Ẩm Thực. Cụ thể chủ đề của bài Blog này là TEXTURE.
Theo đó tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, khi bạn đặt ánh sáng trong Food Photography, việc bạn cần quan tâm là làm sao để nhấn mạnh 3 vấn đề của đồ ăn đó là : Shape, Texture, Mood. Suy cho cùng Food Photographer là người chuyển đổi một món ăn trên không gian 3 chiều, thể hiện nó dưới dạng 2 chiều phẳng nhưng khiến nó trông 3 chiều nhất có thể. Nếu ai đó nói với bạn là :"Bức hình của mày trông chán quá! Chả ngon gì cả!" ; thì đó là lúc bạn cần làm việc lại với ánh sáng rồi đó. Hãy mang Shape và Texture trở lại cho món ăn của bạn.
Texture is what brings food photo to life.
Nhưng Texture của đồ ăn là cái gì vậy?
Tôi luôn mồm nói với các bạn rằng, Texture đồ ăn quan trọng lắm, hãy chú ý đến Texture, hãy nhìn vào Texture... thế nhưng sự thật là tôi mới chỉ thực sự quan tâm đến nó trong 1 năm trở lại đây, trước đó tôi cũng như bạn, tôi quan tâm nhiều vào bố cục, layout các kiểu hơn. Bởi vì sao? Những cái đó là dễ nhìn thấy hơn, dễ tập trung vào nó hơn, dễ học tập hơn, dễ dàng được mọi người chú ý hơn. Suy cho cùng mọi người quan tâm nhiều vào layout lắm. Tôi thống kê các câu hỏi trong buổi WS của mình thì phân nửa là “Xếp bố cục sao cho đẹp mắt?”.
Bạn tự tin mình xếp Layout đẹp, tuy nhiên sự thực đó không phải là công việc chính của Food Stylist. Bạn là Food Stylist, không phải Props Stylist, việc bạn quan tâm hàng đầu vẫn phải là đồ ăn – nhân vật chính xuất hiện trong bức hình. Mỗi món ăn có một chất liệu khác nhau, nếu quan sát sâu hơn bạn sẽ thấy rằng, mỗi loại nguyên liệu xuất hiện trong món ăn được cấu thành từ chất liệu khác nhau. Chất liệu của rau củ, chất liệu của Protein, chất liệu của thịt gà, thịt bò hay của thớ các loại thịt bò khác nhau,… Quá nhiều chất liệu, điều đó khiến cho nhiếp ảnh ẩm thực cực kì khó vì bạn phải hiểu, phân biệt và thể hiện sự khác biệt về chất liệu đó trên mỗi bức hình của mình. Tôi hay so sánh vui giống như các mẹ mua một chiếc túi hiệu á. Tại sao lại đi thích Chanel, Hermes hơn là Charles and Keith, Aldo,… chắc chắn nó nằm ở chất liệu, đường may, chất da, chi tiết ổ khoá,... Vậy các mẹ sẽ so sánh như thế nào giữa chất liệu của một miếng bò Wagu và một miếng bò Việt Nam?
Dựa vào kinh nghiệm, sách giáo khoa,... tôi chia ra 3 yếu tố quan trọng tác động đến Texture của đồ ăn trong bức hình :
- Kích thước ánh sáng nguồn ( Light source size )
- Vị trí đặt ánh sáng nguồn ( Light source placement )
- Styling của Food Stylist ( Food Styling )
Trước khi đi vào một đống kĩ thuật rắc rối và khô khan, tôi muốn mọi người hiểu rằng, những điều này đọc để biết thôi nghen, đừng quá lạm dụng để cố biến mình trở thành một "Kĩ thuật gia" thay vì Nhiếp ảnh gia. Thứ còn lại cuối cùng vẫn là bức hình và giá trị của bức hình. Tôi muốn đưa ra, hay nói đúng hơn là phân biệt 2 khái niệm về Shadow như sách giáo khoa. Đó là Shadow và Cast Shadow.
Shadow theo tôi hiểu là phần tối trong vật thể khi được một nguồn sáng chiếu vào. Cái này giống như tôi đã khái quát ở bài "Ê bồ, ông đặt ánh sáng ở đâu vậy? - Shape". Cast Shadow được hiểu là phần màu đen nhìn thấy được khi một vật thể này chiếu lên bề mặt vật thể khác. Dài dòng quá bớt đọc và hãy nhìn ví dụ dưới đây :
Một bức ảnh Food luôn cần có cả 2 yếu tố Shadow và Cast Shadow. Đừng sợ nó, hai yếu tố này cực kì quan trọng trong việc tạo khối đồ ăn và nổi bật Texture.
1. Kích thước ánh sáng nguồn ( Light source size )
Tôi vẫn nhớ, ngày đầu tôi bắt đầu với Food Photography bằng ánh sáng đèn, tôi sử dụng một cái Softbox bự chà bá lửa , để ở chiều cao 45 độ chếch góc xuống mặt phẳng ngang vô cùng bài bản và đúng kĩ thuật. Nhưng hình ảnh đầu ra thì vẫn chả đẹp, vẫn thiếu sáng mà tôi chả biết vì sao. Và giờ thì tôi đã hiểu...
Có nhiều cách để lọc ánh sáng đầu vào để sử dụng theo từng mục đích. Có bạn thích xài nhiều Softbox khác nhau, tấm lọc, tấm chắn, ô dù các kiểu khác nhau. Cơ bản mục đích đều là làm ánh sáng đầu ra mềm hơn, êm dịu hơn. Tôi để ý rằng mọi người có xu hướng sử dụng nguồn sáng mềm nhiều hơn là sử dụng nguồn sáng gắt. Bởi cái sự dễ kiểm soát hơn, ít có sự tranh chấp giữa sáng và tối, vì thế khiến người xem ít chú ý vào nó hơn, ít tốn thời gian hơn trong việc xử lí sao cho chỗ này không được cháy quá, chỗ kia không được tối quá,...
Hãy để ý ví dụ dưới đây, kích thước nguồn sáng ảnh hưởng lớn đến độ chuyển mạnh mẽ của ánh sáng từ Sáng -> Tối. Nguồn sáng càng gắt , độ chuyển đổi sáng tối càng nhanh. Nguồn sáng càng mềm , độ chuyển đổi sáng tối càng ít có ranh giới. Điều này càng dễ nhận thấy hơn ở các sản phẩm có bề mặt hình cầu, hình trụ, có khối tròn…
Tôi chắc chắn rằng, 100 bạn chụp food photography thì có đến 69 bạn sợ cái bóng đen thùi lùi, dài đằng đẵng và siêu gắt dưới chân như kia khi sử dụng với Softbox nhỏ.
Tại sao lại phải xài cái loại bóng đen thù lù và gắt gỏng như thế này?
TRỜI ƠI, TEXTURE!
Đúng! Đó chính là vì Texture.
Một ích lợi cực kì lớn và dễ dàng nhất của nguồn ánh chính gắt đó chính là vì nó tạo và thể hiện texture của đồ ăn nhiều nhất mà nguồn sáng mềm không thể làm được. Nó chính là Hero của tôi trong việc biến hình ảnh đồ ăn trở nên thực thể 3D nhất có thể và khiến người xem cảm giác thấy thèm, cảm nhận được độ giòn, hay xốp mềm. Chính là anh Hero ánh sáng gắt này đây!.
Vẫn không tin hả? Hãy xem sơ đồ dưới đây nhé!
Sơ đồ ánh sáng/ softbox
Khái niệm ánh sáng gắt càng làm nổi bề mặt chất liệu hơn đối với nguyên liệu có tính chất giòn, cháy cạnh… ( Hãy thử cầm một miếng cá rán giòn bề mặt, đặt nó càng gần mặt của bạn và quan sát độ giòn của nó khi có ánh sáng chiếu qua các cạnh. À mà đừng làm nó ở nơi công cộng nhé! ).
Nếu mà bạn sợ xài ánh sáng gắt thì đúng là bạn đã bỏ lỡ một điều vô cùng quan trọng trong nhiếp ảnh ẩm thực rồi!. Chính vì lợi ích này mà tôi sử dụng ánh sáng gắt nhiều không thể đếm xuể. Tôi đã rất sợ nó khi mới bắt đầu nhưng đến giờ thì tôi và nó như một người bạn của nhau.
Lời khuyên của Food Photographer : Ánh sáng có nguồn gắt sẽ làm nổi bật texture nhiều hơn là ánh sáng có nguồn mềm.
2. Vị trí đặt ánh sáng nguồn ( Light source placement )
"Xời, vậy từ nay về sau tôi cứ sử dụng ánh sáng gắt là được chứ gì? Ông nói làm như to tát quá. Đơn giản vậy ai chả làm được!"
Ha ha! Sự chuyển đổi ánh sáng giữa các mảng sáng tối càng mau thì càng tạo Texture về cơ bản đó là câu chuyện lí thuyết. Ai cũng làm được điều đó thì ai chả làm được nhiếp ảnh gia ẩm thực. Nhưng sự thật sẽ không ngoa khi tôi nói nằng, điều quan trọng để tạo Texture đồ ăn nằm phần nhiều ở cách đặt vị trí ánh sáng chính. Như kiểu, 10 người có chung một máy ảnh, hiểu toàn bộ kĩ năng sử dụng máy ảnh như chỉ 1 người chọn đúng góc máy để chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp, 9 người còn lại làm đúng góc máy kĩ thuật….
Hãy nhìn ví dụ dưới đây nhé.
Thông thường, tôi thường đặt ánh sáng ở vị trí 2:00 -> 10:00 như bài My Basic set up. Tuỳ thuộc vào Shape của đồ ăn chính mà tôi đặt vị trí đèn ở trái hai phải, hai vị trí ưa thích của tôi. Shape thường có độ quan trọng nhiều hơn Texture nên tôi ưu tiên đặt ánh sáng để làm nổi bật Shape của đồ ăn đẹp nhất có thể trước. Hình trụ phải là hình trụ, hình tròn phải là hình tròn,… Từng bước 1 tôi đặt từng đèn và kiểm soát ánh sáng từ từ để tránh bị xung đột các nguồn sáng. Sau khi tôi đã hài lòng về Shape của đồ ăn, tôi bắt đầu quan tâm đến Texture. Lúc này, chỉ cần một vài cm thay đổi vị trí của anh sáng chính cũng làm thay đổi rõ rệt và làm nổi bật bề mặt của vật thể.
Lời khuyên của Food Photographer : Kiểm soát độ gắt và vị trí của ánh sáng chính là Key để tạo nên một bức ảnh có Texture đúng và đẹp trong mắt người xem.
Về kĩ thuật là vậy, nhưng có đến 8000 món ăn và chất liệu khác nhau trên thế giới, làm thế nào để sử dụng đúng ánh sáng để làm nổi bật texture bây giờ? Câu trả lời của tôi đó là sự chăm chỉ. Bạn có quyền thử và bạn chỉ có thể thử. Hãy bắt đầu làm đẹp các nguyên liệu chính của món ăn trước, sau đó làm đẹp dần các loại nguyên liệu phụ. Thử nhiều nguồn sáng mạnh mẽ và mềm khác nhau để thấy sự khác biệt. Ăn tiền hay không ăn tiền ở Food Photographer chính là nằm ở cách xử lí tình huống và kinh nghiệm nghề nghiệp.
“Làm Đúng trước khi làm Đẹp” – Tôi trích dẫn lại câu nói của Meo Thuỳ Dương hay nhắc tôi mỗi khi tôi bước vào một Project nào đó.
Quả thật, một thời gian rất dài tôi chỉ cãi nhau với Meo Thuỳ Dương về việc : "Sao em không cho cái bát này vào, Sao em không để đôi đũa kia lên???...”. Mặc dù sau mỗi lần cãi nhau như vậy tôi luôn là người sẽ phải nhịn bữa trưa hoặc bữa tối! Tôi cố chấp và trở nên khó tính về mặt Layout của đồ ăn hơn là quan tâm đến Shape và Texture của nó. Tôi tin là ai cũng nghĩ như tôi khi mới bắt đầu với Food Photography. Người Food Stylist khi làm ra và trau chuốt món ăn, Food Photographer lại không xử lí đúng và đẹp món ăn đó như nó vốn có thì quả thật đó là một cái tội VÔ CÙNG LỚN. Mà tội này nằm ở việc nhận thức.
Tôi hi vọng sau bài Blog này, các bạn sẽ hiểu và suy nghĩ sâu hơn về đồ ăn của mình hằng ngày. Quan sát xem nó có gì khác với món ăn kia??? Từ đó đưa ra những nhận xét, hành động sắp đặt ánh sáng tốt hơn.
Blog này tôi chỉ đề cập về cách sử dụng ánh sáng tại mặt phẳng ngang, tuy nhiên, để nổi bật Texture của đồ ăn còn phải là cách sử dụng ánh sáng theo chiều dọc và cách làm việc để Texture trở nên tốt hơn của Food Stylist. Tôi sẽ đề cập ở Blog này phần 2 nhé.
1 lần nữa : HÃY LÀM ĐÚNG TRƯỚC KHI LÀM ĐẸP!
CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐỌC BÀI BLOG NÀY ! HÃY LIKE, SHARE VÀ COMMENT DƯỚI ĐÂY NẾU THẤY BÀI VIẾT BỔ ÍCH VÀ THÚ VỊ ! CŨNG ĐỪNG QUÊN FOLLOW INSTAGRAM, FACEBOOK CỦA ĐỨC BÙI NHÉ!
BUỔI TỐI VUI VẺ VÀ ẤM ÁP BÊN GIA ĐÌNH NÀO!