NATURALOGY - CẨM NANG SỬ DỤNG ÁNH SÁNG TRỜI TRONG NHIẾP ẢNH ẨM THỰC

Mở đầu Blog-01.png

Hồi mới bắt đầu đi chụp hình, Bùi chả biết thế nào gọi là hướng sáng hay ánh sáng. Cứ mua lấy cái máy ảnh, sắm con lens dài thật dài rồi mình ra góc phố Kim Mã, hôm nào sang hơn thì vác máy lên Hồ Gươm cứ nhằm mấy bạn nữ xinh đẹp là chụp lấy chụp để, xong rồi đem ảnh lên facebook khoe, càng nhiều like càng sướng. Có hôm ảnh lên trên 100 like ( ngày đó fb Bùi có mấy người đâu, nên 100 like là cao lắm rồi ) rồi khen này khen kia làm mình mất ngủ cả tối, mắt thao láo chỉ chờ xem ai like, click vô xem profile là sướng. 

Ấy là mình chưa có ý thức về nguồn sáng và hướng sáng. Mà cũng chả có ai dạy Bùi, Bùi lại lười hỏi, cái tật giấu dốt nên hoài lâu ảnh vẫn thế, có sang lên được tý nào đâu. Một thời gian chán quá thì Bùi lại chuyển về làm Kiến Trúc, nghĩ chụp hình cũng chỉ đến thế mà thôi.

 
 
Bàn can và đồ án...

Bàn can và đồ án...

 
 

Có một dạo gần hơn Bùi chụp người kiếm tiền ở nhà, ngày đó nhà chung cư căn góc, có cái cửa sổ 4 cánh to tướng, ánh sáng ngập tràn buổi ban chiều chiếu 1 góc dài lên tường đẹp như mấy căn hộ nước ngoài, thế là Bùi nảy ra cái ý định kinh doanh chụp hình tại nhà, lợi dụng địa thế trời cho. Bùi thấy Bùi giỏi quá, cũng có tý máu thế là sắm nguyên cái giường đặt phòng khách, mua bông, mua gối trắng, mua it đồ phụ kiện thế là Bùi bắt đầu chụp ảnh. Ngày đó cũng không để ý hướng sáng lắm nhưng trời cho cái nhà có cửa sổ đẹp quá, cứ đứng vào là lại tự động đẹp thế là Bùi sướng. Nhớ đợt đấy cũng đắt show, 1 tuần thì có 5 người book chụp. Cũng chụp xong rồi đăng này kia các kiểu. Nhiều like, được 1 thời gian nhạt quá rồi chả ai người ta qua vì hoài mãi chỉ có 1 góc đó, Bùi lại giải nghệ, lại làm Kiến Trúc. 

 
Ánh sáng trời đẹp như thế này đây...

Ánh sáng trời đẹp như thế này đây...

 
 

Cách đây 2 năm, Bùi bắt đầu với Food Photography thì mới có ý thức dần về ánh sáng. Cũng vì lúc đó nhất quyết bỏ nghề Kiến Trúc vì chả ma nào book, tự thân vận động, có làm thì mới có ăn, Bùi không còn đường lui,  Bùi tự bắt mình phải để ý ánh sáng một cách kĩ càng.

Bùi xem nhiều ảnh ẩm thực nước ngoài cả từ trên website, cả trên Pinterest và luôn tự đặt câu hỏi là :”Tấm ảnh này ánh sáng bắt đầu từ đâu nhỉ? Tấm này có mấy ánh sáng, rồi ánh sáng mềm hay đậm,…”. Kiếm 1 quyển sổ lớn, Bùi vẽ đủ các loại hướng sáng vào đó, cách set up, giờ cuốn sổ này đâu rồi Bùi chả biết.

Tuy nhiên, thời kì đó cứ thấy tấm hình nào đẹp là Bùi phải save bằng được về máy, nhìn ngắm phân tích đủ kiểu, sau đó đánh số thứ tự, lấy sổ ra vẽ hướng sáng ước tính và thực hành. 6 tháng đầu tiên khi bắt đầu với Food Bùi và Mợ Mèo xem rất nhiều, thực hành rất nhiều, coi đó là nguồn sống duy nhất của mình và mình nhất quyết phải theo nó, chụp xong, phân tích, chỉ ra lỗi sai rồi so sánh với ảnh nước ngoài xem mình đã làm được đến đâu, tại sao lại chưa được, rồi rút kinh nghiệm, lần sau phải làm đẹp hơn lần trước. Ấy thế mà đã được gần 3 năm, Bùi và Mợ Mèo giờ nhìn ánh sáng là hiểu hết, đâu ánh sáng trời, đâu ánh sáng đèn là đoán được hết.

 
 

 
 

Nếu đã từng bắt đầu với Food Photography, chắc hẳn mọi người sẽ luôn làm việc với ánh sáng trời trước tiên. Vì sao ư? Vì nó sẵn có quá mà, chỉ trừ 12 tiếng gáy khò khò ra thì 12 tiếng còn lại ánh sáng trời đâu chả có, chỉ không lấy xô cất đi được thôi chứ có cần mua không Bùi bán cho 500 ánh sáng trời.

Bùi cũng không ngoại lệ. Ngày trước làm gì có sẵn các group chia sẻ kinh nghiệm, bài viết, vlog, khoá học về nhiếp ảnh ẩm thực như bây giờ đâu mà biết định hướng. Bùi có người bạn làm food stylist thời đó nói là : "Ánh sáng trời là đẹp nhất với ẩm thực”. Thế là Bùi tin như điếu đổ.

Đến giờ, Bùi thế mạnh là ánh sáng nhân tạo sử dụng đèn các kiểu ảo tung chảo, tuy nhiên, Blog này Bùi sẽ dành một phút tưởng niệm và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng hiệu quả nhất ánh sáng trời trong chụp hình ẩm thực.

Bùi gọi nó là. : Naturalogy -  Cẩm nang sử dụng ánh sáng trời trong nhiếp ảnh ẩm thực.

Trong Naturalogy này, Bùi sẽ chia làm 3 phần nhỏ :

Untitled_Artwork.jpg

1. Thế nào là nguồn sáng trời tốt?

2. Với ánh sáng trời, đặt đồ ăn như thế nào bây giờ?

3. Với ánh sáng trời, Styling sao cho đẹp bây giờ?

Với mỗi phần sẽ có đoạn in nghiên gạch chân để ghi chú kiến thức, còn đâu là mấy câu dông dài của Bùi đó! 

NÀO HÃY BẮT ĐẦU !

 

"THẾ NÀO LÀ NGUỒN SÁNG TRỜI TỐT?"

 

“Uống nước thì nhớ nguồn”. Nhà Bùi giờ hiện đại không có ra tận nguồn để múc nước về uống nữa mà dùng máy lọc nước hiệu “con chuột túi” để uống nước cho đảm bảo, sạch vi khuẩn, bảo vệ cả gia đình. Thế mới biết nguồn nước sạch quan trọng như nào. Ánh sáng trời cũng vậy.

Muốn có một bức ảnh ẩm thực tốt, quan tâm đầu tiên nguồn sáng trời phải tốt.

 
 
12772097_1214760598591861_2428047087149800728_o.jpg
 
 

Mấy ngày đầu, Bùi thường đặt đồ ăn lên bàn, đặt bàn cạnh cửa sổ và chụp, ánh sáng ra trong trẻo mềm mại mịn màng đúng ý Bùi muốn. Bùi nghĩ là ánh sáng Food cũng dễ bỏ xừ, cứ kiếm cái cửa sổ, đặt đồ ăn vào là xong, có gì đâu mà khó. Mấy ngày sau, Bùi shoot thương mại cho một cửa hàng bán dessert kiểu Thái, kem dừa các kiểu, chả hiểu shoot kiểu gì mà về nhà ảnh ra đen kịt, tối thui mà lại còn ám xanh leo lét, kem dừa màu trắng ngà tinh khôi mà giờ thành hơi xanh xanh kiểu màu thiên thanh. Rõ ràng mình đã set up ánh sáng như hôm diễn tập ở nhà rồi mà??? Sau này đi qua lần nữa mới để ý cửa hàng đó sơn màu xanh da trời, đằng trước cái cửa sổ có một cái cây bàng to tổ chảng che hết cả ánh sáng trời, rồi xung quanh đường lớn nhà cửa mọc san sát, có chỗ đâu mà có ánh sáng trời nguyên bản lọt vào.

 

Ánh sáng trời nguồn là cực kì quan trọng.

Tại sao ư?

 

Ánh sáng trời là thứ thay đổi liên tục trong ngày, chịu tác động liên tục từ các điều kiện xung quanh. Hôm nay Hà Nội nhiệt độ 14 độ C, độ ẩm 95% thì sương mù dày đặc cả khu phố luôn. Ánh sáng trời của bạn lúc này sẽ lọc nhẹ nhàng qua tầng khí quyển, băng qua hà sa khí độc khói bụi đô thị Hà Nội, rồi gồng mình di chuyển qua lớp sương mù dày đặc. Lúc đến được bàn ăn của bạn và món ăn chụp hình của bạn, ánh sáng đã quá yếu ớt và không còn trong trắng nữa.

 
Hà Nội ơi...

Hà Nội ơi...

 

Chưa kể đến việc nhà bạn trong hẻm, trước cửa nhà bạn bố bạn vì yêu quý bạn mới reo một hạt mầm cây bàng xuống đất cái hôm bạn chào đời, thế là sau hơn 2 mươi mấy năm, cây bàng theo đó mà lớn lên như thổi, che đi ánh nắng ban sớm để khỏi đánh thức bạn quá sớm. Vậy là bạn đã có một nguồn sáng bị che khuất để chụp hình đồ ăn rồi.

Bùi nói vui vậy thôi chứ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguồn sáng cơ bản của bạn.

 

Vậy làm thế nào để chụp được một tấm hình food đẹp với ánh sáng trời tạm ổn bây giờ?

 

Đầu tiên, Ánh sáng trời của bạn nên là ánh sáng từ cửa sổ và chỉ có một nguồn từ cửa sổ mà thôi. Nếu có thêm cái cửa chính cũng đang chiếu sáng thì tốt nhất nên đóng nó lại, hoặc cũng nên che chắn cho nó. Hãy chỉ bắt đầu bởi một nguồn sáng cửa sổ duy nhất.

Kiếm cái cửa sổ nào ít bị che chắn nhất nha. Nhớ câu chuyện nhà Bùi hồi xưa ở chung cư căn góc không, kiếm 1 cái chung cư căn góc như thế mà thuê, ánh sáng ngập tràn, không có cái cây nào với tới đó. Nếu không ở chung cư, bạn hãy kiếm 1  trong nhà một cái cửa sổ 2 cánh đủ to, ít bị cây cối che khuất, có thể che bằng thông, cây đào chứ cứ gặp mấy cây xanh, cây xi, cây bàng thì né né ra nhé.

 
 
Untitled_Artwork (1).jpg
 
 

Ánh sáng nguồn là quan trọng nhất.

Uống nước thì nhớ nguồn, nhỡ có đau bụng thì biết là cái nguồn đó không tốt nha!

 
 

 
 

Ngày xưa Bùi học chuyên Lý, ba mẹ lại giáo viên dạy Lý cùng trường yêu nhau từ hồi sư phạm Lý, thế nên giờ nói Lý với Bùi là Bùi chém được tất.

Trong vật lí cơ bản cấp ba ngày xưa có một chương nói về ánh sáng như này :” Mọi sự vật mà ta nhìn thấy được là do ánh sáng từ vật đó phản chiếu đến mắt ta”. Vật lí là như thế, áp dụng trong nhiếp ảnh ẩm thực cũng không ngoại lệ.

Nhớ câu chuyện Bùi kể về cửa hàng dessert Thái sơn màu xanh không? Ngày đó Bùi cứ đinh ninh là mình đã set up đẹp như trong sách giáo khoa mà chả hiểu sao kết quả không như ý mình. Nguyên nhân tất cả là do màu xanh da trời kia.

Sự thật là, khi bạn chụp đồ ăn bằng ánh sáng trời, nguồn sáng của bạn đã đẹp y hệt như cái Bùi vừa viết bên trên. Bạn cam đoan chắc chắn là đã che hết tất cả các cái lỗ chiếu sáng trên tường rồi và nói với Bùi là : "tao đã làm đúng như mày nói rồi đó ! " thì vẫn luôn luôn có một nguồn sáng vô hình mà hữu hình khác chiếu vào đồ ăn của bạn. Đó chính là ánh sáng của tất cả các sự vật không gian.

Nhìn ví dụ :

 
Ánh sáng của dưa lưới bị ám đỏ khi có quả châu để bên cạnh.

Ánh sáng của dưa lưới bị ám đỏ khi có quả châu để bên cạnh.

 

Tường nhà bạn màu trắng, ánh sáng trắng của tường sẽ phần nào đó phản chiếu vào đồ ăn của bạn, Bàn của bạn màu nâu, một chút ánh sáng nâu đâu đó sẽ ám vào đồ ăn của bạn, bạn hôm qua vừa mua chiếc áo len màu đỏ đẹp đẽ, bạn trai bạn tặng bạn thêm cái mũ len màu xanh lá cây để thêm không khí noel sắp đến thì ánh sáng màu xanh và đỏ đó sẽ phản chiều lên đồ ăn của bạn. Tất cả các sự vật xung quanh căn phòng của bạn nó có ánh sáng của nó và nó sẽ tặng bạn ánh sáng đó vào đồ ăn của bạn. Quá tuyệt vời! Món quà trời cho muốn vứt cũng không được.

 

"Vậy làm thế nào để tao từ chối món quà tuyệt vời của tự nhiên đó bây giờ?"

 

Câu trả lời là sống chung với lũ và đừng lo về mấy chuyện vặt đó. Thực ra, chất liệu và diện tích đồ vật quyết định rất nhiều đến khả năng phản chiếu của sự vật. Nếu bạn có cái tường xanh da trời lớn và rộng thì xin chúc mừng bạn, bạn đã quay vào ô thua cuộc. Bùi cũng gặp trường hợp tương tự với nhà hàng dessert kia. Còn nếu bạn lỡ mua 1 cái case màu đỏ như của Bùi thì đừng lo về điều đó, vật kiệu ít phản chiếu và diện tích phản chiếu quá ít như này thì không ảnh hướng đến đồ ăn của bạn đâu.

Cách khắc phục là : Kiếm một cái phòng có cái cửa sổ thật đẹp như sách giáo khoa, xung quanh đồ ăn chừng gần 2 m nên là có tường trắng và ít đồ vật có màu rực rỡ, nếu lỡ hôm qua vừa sơn cái tường màu hồng cho cuộc đời hồng hào rồi thì khi chụp nhớ sắm thêm cái rèm để che hoặc lấy giấy trắng che vào nhé. Nhà có bao nhiêu cái đèn vàng trên trần thì nhớ tắt hết đi, không nó ám vàng vào đồ ăn thì ráng chịu. Đơn giản lắm.

 
 
IMG_4188.jpg
 

Hãy bảo tồn nguồn sáng trời khó khăn lắm mới có và đừng biến nó thành bất kì màu nào khác ngoài màu trắng nhé.

 
 

 
 

Bùi nhớ hồi 6 tháng luyện tập, Bùi chụp một cái bánh mỳ sandwich phết ít bơ Tường An, Bùi tự decor thêm ít lá thông và miếng ham hồng hào cho thêm phần ngon miệng. Ngày đó, đói lắm mà Bùi chả dám ăn, thèm lắm mà không dám đụng tay, run lắm vẫn phải cố phết ít bơ vào cho thêm phần ngon mắt, ấy thế mà hình ảnh ra xấu như ma lem, lạnh như mấy ngày mùa đông lịch sử ở Mỹ. Bùi chả hiểu sao mà ảnh ra xấu thế, chả như mình mong đợi.

 
_MG_6111.JPG
 

Giờ thì Bùi đã hiểu và hiểu rất rõ. Ngày đó Bùi chụp vào lúc chập tối, ánh sáng từ lúc 5h chiều, mặt trời đã gần lặn.

Tại sao ư?

Ánh sáng mặt trời cũng giống như nước, dễ bị lọc và che chắn. Mỗi khi bị lọc thì yếu đi, không nguyên bản, mỗi khi bị che chắn sẽ đổi chiều, phản chiếu. Ánh sáng mặt trời ở mỗi thời điểm trong ngày là khác nhau. Nhà bạn ánh sáng trời buổi sớm chiếu vào thì thường là nguyên bản, nhưng lại tương đối gắt. Đến 12 giờ trưa ánh sáng mặt trời là từ đỉnh đầu, chiếu lên mọi vật thể xung quanh trái đất. Ánh sáng vào đến cửa sổ, đến được món ăn của bạn lúc này là sự phản chiếu của sự vật xung quanh. Ánh sáng lúc 4 5 h chiều lại là lúc mặt trời gần lặn, tương đối yếu đuối và không còn màu vàng nguyên bản.

Quá nhiều điều ảnh hưởng đến nguồn sáng chính của nhà bạn.

 

"Trời ơi phức tạp quá tôi phải làm sao?"

 

Câu trả lời của Bùi là đừng lo về điều đó. Bạn ở trong nhà hãy quan tâm chủ yếu là ánh sáng từ cửa sổ của bạn. Muốn test ánh sáng cửa sổ có đủ tốt không? Hãy để ý shadow của vật thể.

 
2.jpg
 

Shadow như này này là đẹp nhất, kéo dài ra xa rồi biến mất, mềm mại và không quá gắt. Với ánh sáng trời và với hầu hết các set chụp bằng ánh sáng trời, hãy kiếm cho ra cái shadow như này để chụp.

Hãy chụp vào thời điểm từ 9h sáng đến 4h chiều là hợp lí với ánh sáng trời và nhớ chú ý đến sự chuyển đổi chiều của bóng sáng nhé!

 
 

 
 

Kết luận :

Nguồn sáng trời tốt nhất với nhiếp ảnh ẩm thực là khi :

- Ánh sáng nguyên bản, ít bị che chắn bởi điều kiện xung quanh.

- Ánh sáng từ một nguồn duy nhất và chỉ một nguồn duy nhất ( cửa sổ, cửa ra vào,... )

- Ánh sáng không bị ám bởi các vật dụng trong nhà như tường, trần nhà,...

- Ánh sáng có shadow hơi dài, mềm mại.

 

Sau Phần 01 này các bạn hãy mò ngay trong nhà mình cái cửa sổ như trên, đặt đồ ăn vào đó, ngắm nghía nó và đợi đến Phần 02 để bắt đầu chụp những tấm hình ẩm thực cho riêng mình nhé. Nhất là các mẹ nội trợ ở nhà.

Bùi hẹn bạn ở Blog tuần sau.

Nếu hay thì hãy like, share và để lại lời bình của mình ở bên dưới này nhé! 

Đố bạn biết tấm này Bùi chụp bằng ánh sáng gì?

Đố bạn biết tấm này Bùi chụp bằng ánh sáng gì?

duc bui5 Comments