Vẽ về Hát Bội và câu chuyện Tôi sẽ...
Ơ thế lại Tết rồi à?
Cách đây mấy Blog Bùi cũng vừa tổng kết cuối năm Dương, giờ lại dông dài chuyện năm Âm mới thấy rằng Tết dạo này đến nhanh thật. Một năm với ngập tràn công việc cùng các kế hoạch, dự án cứ nối đầu tiếp đuôi nhau, thi nhau lao tới vồ vập, hồ hởi bản thân mình sấp mặt quên cả thời gian.
Đến ngày 29 Tết vẫn được các em Account xinh đẹp vây quanh hâm mộ, yêu thương dí deadline một cách nhiệt tình khiến Bùi sấp mặt đến chiều 29 vẫn chưa được về quê. 3h30p vẫn ngồi cà phê viết đôi dòng đây nè!
Lại một chiều cuối năm.
Ừ thì người ta sẽ dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa sạch sẽ bằng nước sôi đun lá mùi già, sắm ít cây cảnh, hoa tươi chơi Tết,... Người ta sẽ hớt hải về quê, gương mặt đầy niềm háo hức, rộn ràng. Người ta sẽ ngồi lại với nhau, chén bạn chén bè và nói với nhau nghe những chuyện chả đâu vào đâu của năm trước, rồi lại những chuyện Tao sẽ, Tao phải,… trong năm sau.
Chút nắng chiều vàng đang buông dài trên con đường hằng ngày rộng vắng tanh, gió lùa từng hồi lạnh ngắt vì chả còn ai che cho ai trên đường này nữa cả. Cứ thế người ta thẳng lưng, vít ga, vững tay lái mà phóng tít mù tắp.
Hà Nội hôm nay rộng thật!
Trong những cuộc vui bất tận và tới bến, Bùi thường hay nghe người ta cao hứng mà nói rằng :”Tao sẽ,…” để rồi sáng hôm sau, mọi chuyện lại trở về đúng như mọi ngày, như nó chưa từng xảy ra. Người ta hay có cái thứ gọi là : Động lực nhất thời. Kể cả Bùi cũng vậy.
Cứ khi nào chém gió với nhau, nghe một vài câu kích thích động lực thì kiểu gì cũng vỗ ngực ta đây, mắt sáng long lanh, hơi thở mạnh mẽ, răng môi nghiến chặt, ngực phồng lưng thẳng mà về nhà phải kéo cho ngay mấy hồi tạ ngực bằng được, mức nặng nhất, khí thế ngút trời. Đến hôm sau lại chào thua vì hôm qua tao đẩy quá sức quá hôm nay đau cơ, xin nghỉ 1 tháng…
Đó là câu chuyện triển lãm Vẽ Về Hát Bội.
Đó là hình ảnh một người ngồi buông mình trên chiếc ghế dài, xung quanh là mảng tường trắng, những bức tranh đã gỡ. Mọi thứ đang được thu dọn.
Sau tất cả những thứ đẹp đẽ, những câu chuyện tuyệt vời, những bức tranh truyền cảm hứng rạo rực như vậy thì ai trong chúng ta, về nhà rồi sẽ tiếp tục giữ và bảo tồn Hát Bội nói chung, những giá trị truyền thống chân quý của dân tộc nói riêng?
Bùi sinh ra và lớn lên ở thành phố Nam Định.
Thành phố của những điệu Chầu Văn ngày Tết, ngày hội.
Ngày bé, Bùi đã thích la cà đến chùa chiền mỗi độ mùng 1, mùng 2. Xem người ta hát Chầu. Người đàn người hát, người gõ, nhịp nhàng, trong trẻo mộc mạc, quyện cùng mùi hương khói chùa đền, người ra kẻ vào khiến Bùi cảm thấy thân thuộc, phê pha một cách khó tả. Cái cảm giác đúng Tết xưa, những gì thân thuộc nhất của tuổi thơ.
Những câu hát Chầu Văn hơn bao giờ hết lúc này là tuổi thơ, là những lần cùng mẹ lên chùa thắp hương đầu năm, là những lần chen thân vào đám đông để nghe và xem cho tận mắt người ta hát Chầu. Nó là giá trị truyền thống không thể trộn lẫn. Nó dẫn con người ta về những gì mộc mạc nhất, những cảm xúc thân thuộc nhất sâu kín trong tiềm thức, quên đi những mệt mỏi của cuộc sống. Rất đời thường, rất thân thuộc, rất quê hương, rất Việt Nam.
Phải nói thật, Bùi không thích Tuồng ( Hát Bội ).
Ngày bé, cứ mỗi lần TV chiếu chương trình sân khấu với đoạn intro 2 cái mặt cười khóc là Bùi ám ảnh. Sợ quá chuyển kênh luôn sang mấy phim truyện giải trí HBO, không thì Cartoon network. Cùng lắm là xem thời sự phim tài liệu chứ nhất quyết không bào giờ xem Tuồng.
Đối với những người trẻ như Bùi, những giá trị truyền thống như vậy rất khó để cảm nhận và tiếp thu. Xã hội hiện đại, thường những người trẻ như Bùi thích xem những thứ gì nhanh chóng, vui vẻ, hài hước, những câu chuyện làm giàu, những cách kiếm tiền hơn là tìm về những thứ cũ kĩ, hoài cổ của cha ông.
Nhưng Triển Lãm Vẽ Về Hát Bội đã cho Bùi một cách nhìn khác. Hiện đại, Văn Minh, Thông Minh mà vẫn đầy đủ tri thức, giá trị truyền thống.
Đó là những góc nhìn thật của những người trẻ về một loại hình văn hoá của Dân tộc. Đằng sau mỗi bức vẽ là những câu chuyện riêng biệt mà chắc chắn rằng việc khám phá những câu chuyện cảm hứng đằng sau đó là cực kì thú vị.
Ví dụ Bùi có dừng lại rất lâu trước bức hình màu xanh mạnh mẽ có tên công chúa An Tư của anh Lai N Nguyen. Không một câu giải thích, không một dòng diễn giải. Bức tranh là một cô gái xinh đẹp đang khóc được thể hiện bằng một màu xanh mạnh, léo lắt như càng làm tăng cảm xúc đau khổ, dày vò cực độ đến mắt người xem.
Bùi đã thắc mắc tại sao một bức ảnh như vậy lại không hề có lời giải thích gì? An Tư công chúa là ai? Tại sao công chúa lại khóc? Cho đến khi Bùi trực tiếp hỏi anh Lài. Qua lời kể của anh, An Tư là một cô công chúa sống ờ chiều Trần, thời điểm quân dân cả nước đang kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Công chúa An Tư lúc này được gả cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hoà giặc Nguyên.
Tuy nhiên, sau khi quân Trần phản công, quân Nguyên bại trận. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tháo chạy. Quân dân nhà Trần chiến thắng, hoàng tộc khen thưởng các công thân nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân.
Câu chuyện đã thật rõ ràng hơn khi Bùi được nghe những lời diễn đạt này qua lời kể của chính tác giả. Kích thích Bùi sâu sắc để về nhà Google xem công chúa An Tư là ai? Lịch sử triều Trần đánh giặc như thế nào.
Hay như hình ảnh Khương Linh Tá bị Tạ Ôn Đình chém.
Nếu để ý kĩ, sẽ thấy dù bị chém nhưng chỉ duy nhất có tên đồ tể gương mặt giận dữ. Xung quanh binh lính được thể hiện mặt buồn. Khương Linh Tá dù bị chém mất đầu máu chảy một dải dài nhưng trên tay vẫn giữ chiếc mũ của mình. Tại sao lại như vậy? Tại sao một người bị chém lại vẫn giữ một khí thế ngút trời khiến binh lính xung quanh buồn khổ đến vậy.
Mọi chuyện lại thôi thúc bùi Google về Khương linh Tá, xem qua vở Tuồng trên Youtube, Biết được về vở tuồng cổ Sơn Hậu. Biết được thêm Đào Duy Từ là ai? Ai là người đã phát triển Hát Bội Việt Nam? Đào Tấn là ai? Chúa Nguyễn, Đàng Trong Đàng Ngoài…
Thực sự, bằng một cách nào đó, triển lãm Vẽ về Hát Bội đã thôi thúc những người trẻ như Bùi ngoài việc thêm yêu mến về Tuồng Việt Nam còn là sự tìm về cội nguồn lịch sử, hiểu thêm về những nhân vật lịch sử mà bấy lâu nay, mình vẫn đi qua con đường mang tên ông mà không buồn Google xem ông là ai? Ông đã làm gì cho Đất Nước.
Một số hình ảnh thú vị của buổi triển lãm.
Nói tóm lại rằng, mình là người Việt Nam mình nên yêu và bảo tồn văn hoá truyền thống Việt Nam, phát triển nó lên mang màu sắc mới hiện đại hơn. Cứ như Nhật Bản ấy. Người ta hiện đại, sang đẹp, văn minh, giàu có từ nhân cách, con người đến văn hoá truyền thống. Có cô em gái đi du lịch Nhật Bản hơn tuần mang về cho anh chị hộp bánh Mochi 1000 năm mà cô đã rất khó khăn xếp hàng, chờ đợi từng mẻ bánh một ở một tiệm bánh Mochi truyền thống nổi tiếng. Cắn một miếng thôi mà ngon ứa nước mắt.
Có lần Bùi nghe được việc Việt Nam mình mong muốn trở thành “bếp ăn của thế giới”. Ẩm thực Việt Nam ngon thì chả phải bàn cãi. Nhưng hình ảnh đồ ăn Việt vẫn truyền thống khó tiếp thu quá. Nhiều món ăn ngon nhưng hình ảnh lại không đẹp khiến ẩm thực Việt Nam vẫn khó phát triển hơn so với Thái Lan – nước bạn cũng có nền ẩm thực gần như tương đồng nhưng hình ảnh thì đẹp thôi zồi, chưa cần ăn đã ứa nước miếng lấy tay ra hứng rồi.
Đó cũng chính là mong muốn của Bùi, Mợ và Deto Team trong năm 2018, mang hình ảnh đồ ăn Việt Nam trở nên mới mẻ hội nhập hơn. Truyền thống nhưng dễ tiếp thu hơn. Mấy ông Tây thấy món ăn Việt Nam chưa nếm mà đã đẹp rụng rời rồi thì chỉ có xách vali qua Việt Nam du lịch và thưởng thức thôi nè!
Làm đi Bùi ơi!