Dành cho Clients : "Tôi cần biết được điều gì trước khi book một Food Photographer?"
(*) Các hình ảnh sử dụng trong bài viết này đều được tôi và Deto Concept team xây dựng và thực hiện.
-
Nhiếp ảnh ẩm thực ở Việt Nam tuy không mới nhưng vẫn còn khác trẻ so với các thể loại nhiếp ảnh như Thời Trang, nhiếp ảnh Cưới,... Vậy nên chắc chắn vẫn còn nhiều khách hàng sẽ gặp khó khăn khi không biết phải bắt đầu tìm hiểu từ đâu, booking Food Photographer, Food Stylist ở đâu? Hình dung và định hướng trước mong muốn về hình ảnh của mình như thế nào, phục vụ cho mục đích gì ? Cách tính giá của Food Studio như thế nào? Food Photographer này có thế mạnh gì???...
Vì đã dành sự tâm huyết và số vốn lớn đầu tư cho nhà hàng nên nhiều khách hàng mong muốn hình ảnh ẩm thực phải đẹp, phải bắt mắt và có chiều sâu. Tuy nhiên, không chỉ vấn đề hình ảnh mà chất lượng sản phẩm, quản lí nhân viên, quản lí nguồn cung cấp,... rất nhiều việc cần giải quyết cùng lúc. Dẫn đến chủ nhà hàng bị quả tải, không tập trung, chọn nhầm nhà cung cấp, chọn sai studio dẫn đến hình ảnh không tốt, chi tiền không hiệu quả, lãng phí.
Vì thế, các bạn hãy cùng tôi trả lời câu hỏi :
Mỗi bộ hình ảnh ẩm thực cho một nhà hàng, khách sạn, nhãn hàng,... tôi thường gọi nó là một Project. Project cho nhà hàng này sẽ khác Project cho nhà hàng kia, đó là điều chắc chắn do tính chất nhà hàng khác nhau.
Trước khi bắt đầu một project nào đó, Food Photographer hay Food Studio xây dựng hình ảnh cần tìm hiểu kĩ càng các thông tin từ nhà hàng, phải rõ từng " chân tơ kẽ tóc" của nhà hàng đó để lấy thông tin và cảm hứng áp dụng cho việc xây dựng hình ảnh.
Vì thế, trước khi book một Food photographer hay Food Studio, bạn hãy ngồi lại một quán cà phê, Order một cốc Latte nóng hổi, bật một list nhạc ưa thích, mở giấy bút ra và tự mình trả lời 08 câu hỏi dưới đây nhé?
1. Loại sản đồ ăn nào mà mình đang muốn xây dựng nhỉ ?
Đây chắc chắn là câu hỏi đầu tiên tôi cần bạn tự trả lời nhất.
Tại sao ư ?
Vì bạn là người biết chắc chắn nhất nhà hàng / nhãn hàng của bạn bán cái gì?
Có nhà hàng tập trung vào đồ ăn Việt Nam truyền thống, có nhà hàng tập trung vào bán Beef Steak kiểu Mỹ với nguyên liệu bò hảo hạng, có nhà hàng đồ Tàu, đồ Hàn, đồ Tây, đồ Ý, Địa Trung Hải,... Có nhãn hàng tập trung vào sản phẩm đồ ăn là kem, có nhãn hàng tập thì lại là đồ uống, sữa. Không có nhà hàng nào giống nhà hàng nào 100%, không có nhãn hàng nào giống nhau như đúc vì cần có lợi thế cạnh tranh. Việc xây dựng hình ảnh cho từng Project chắc chắn sẽ phải khác nhau.
Có những đồ ăn chụp khó hơn hẳn các đồ ăn khác.
Chụp một miếng Steak với lớp bề mặt hơi cháy xém bởi song sắt của khay nướng, lớp mặt caramel hoàn hảo, có độ ẩm ngậy, bề mặt bên trong medium rare hoàn hảo, những viết cắt đều tăm tắp và chỉ chực chờ bạn cầm dĩa chấm sauce cho vào miệng ngon lành CHẮC CHẮN khó hơn rất nhiều so với việc chụp một đĩa khoai tây chiên.
Chính vì thế thời gian để chụp hoàn thành một sản phẩm là khác nhau. Có một ngày chụp được nhiều sản phẩm này hơn, ngày kia lại chụp được ít sản phẩm hơn. Vì thế, ở Food Photography, tôi sẽ tính phí theo NGÀY, không phải theo GIỜ, cũng không phải NỬA NGÀY mà chỉ là NGÀY. Đơn vị NGÀY sẽ là đơn vị tính giá. Dựa vào loại đồ ăn để xác định sự phức tạp trong lúc chụp hình, từ đó suy ra số ngày cần chụp để hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc.
2. Mình sẽ định chụp bao nhiêu ảnh nhỉ?
Xác định số lượng chụp hình của rất quan trọng. Thông thường, bạn nên chuẩn bị một danh sách các món ăn hoặc các layout "cần thiết nhất" phải chụp, thường sẽ là những món ăn bán chạy nhất, những combo cần tập trung, những sản phẩm đang cần đẩy doanh số hay những content, những promotion sẽ diễn ra trong tương lai gần,...
Danh sách này là RẤT CẦN THIẾT vì nó sẽ khoanh vùng lại số lượng hình ảnh bạn cần chú trọng nhất cần có để đảm bảo kế hoạch Marketing. Tính toán được số tiền đầu tư cho việc xây dựng hình ảnh Marketing lần này. Điều này cũng giúp cho các Food Photographer, Food Studio có thể tính toán được số ngày sản xuất từ đó đưa ra báo giá hợp lí để tư vấn.
Nếu bạn đã có con số xác định dành cho Budget và muốn chụp nhiều hình ảnh nhất có thể thì hãy đừng ngại ngần chia sẻ cho Food Studio con số đó, Food Studio sẽ tính toán cho bạn sao cho hợp lí về số lượng nhiều nhất có thể chụp được. Mỗi Food Studio khác nhau sẽ có cách tính giá khác nhau dựa trên chất lượng hình ảnh hoặc Portfolio cũng như sự tự tin của bản thân.
03. Hình ảnh này mình sẽ sử dụng cho mục đích truyền thông nào ?
Thông thường tâm lí đầu tư là phải sử dụng triệt để.
Việc xác định mục đích sử dụng là tương đối quan trọng. Với Menu, hình ảnh đôi khi sẽ "dễ thở" hơn xíu để tiện cho việc design và thêm giá tiền, các món ăn vì thể cũng nên chuẩn chỉ, bớt hư cấu đi. 3 con tôm phải đúng là 3 con tôm, có thể TO hơn xíu nhưng vẫn phải đếm được 3 con,...
Với quảng cáo online, việc đầu tiên sẽ phải làm hình ảnh thật sự bắt mắt. Người xem chỉ đơn giản lướt lướt có mấy giây trên smart phone với cả nghìn hình ảnh bắt mắt, cái quảng cáo hấp dẫn trong vô vàn quảng cáo kia. Vì thế, quảng cáo online phải thực sự bắt mắt từ màu sắc đến sự thú vị....
Với in ấn thì hình ảnh chụp không được quá sáng, không quá tối để lúc in ra không bị khác quá so với hình ảnh digital.
05. Độ phức tạp của hình ảnh sẽ như thế nào nhỉ ?
Sự thật, tuỳ thuộc vào loại đồ ăn, trí tưởng tượng, yêu cầu của khách hàng mà mỗi hình ảnh như này lại có sự phức tạp khác nhau. Chúng tôi gọi mỗi ảnh như này là một Layout.
Layout phức tạp khác nhau phục thuộc vào :
a. Số lượng món / layout :
Càng nhiều món trên một layout thì chụp hình càng phức tạp.
Food Photographer lúc này phải chuẩn bị góc máy sao cho lấy đầy đủ số lượng món, chuẩn bị ánh sáng sao cho phải đến được từng món, đẹp từng chất liệu mà tổng thể bức hình vẫn phải có mood nhất định. Food Stylist phải chuẩn bị làm đẹp tất cả các món cũng như set up các món này trên khung hình sao cho đẹp và có nghĩa nhất. Bài toán là không món nào được che món nào, không đạo cụ nào được che đạo cụ nào, tất cả phải có nghĩa mà vẫn phải đẹp…
Đó là sự thật.
Chụp nhiều món phức tạp hơn nhiều so với chụp đơn món. Vì vậy thời gian để đầu tư một layout đương nhiên sẽ nhiều hơn hẳn so với đơn món. Từ đó số lượng layout chụp trong một ngày chắc chắn sẽ ít đi.
b. Có set up không gian hay chỉ chụp đơn giản :
Một vài khách hàng thích chụp món ăn hoàn hảo đẹp đặt trong không gian nhà hàng, xung quanh có set-up bát đĩa, đạo cụ cả nhà hàng đẹp đẽ với mục đích muốn gửi gắm không gian nội thất nhà hàng kèm số bát đĩa tuyệt đẹp mà đã mất nhiều công sức tìm kiếm và sưu tập. Tôi hay gọi đó là Chụp Editorial Shoot.
Một vài khách hàng lại rõ quan điểm muốn chụp hình đơn giản trên nền trơn hoặc nền trắng để có thể dễ dàng cut out món ăn ra khỏi nền với mục đích design thiết kế cho các ấn phẩm nhất định. Bùi gọi nó là chụp Simple Shoot.
Cũng có một vài khách hàng lại muốn đồ ăn của mình nằm ngoài trời, trên cỏ, trong rừng, đôi khi set up cả một bữa tiệc picnic để nhấn mạnh hình ảnh đồ ăn mang tính tiện lợi, dễ dùng,…
Mỗi khách hàng một một đích sử dụng khác nhau nhưng tựu chung sẽ là hai loại : Chụp hình có set up ( Editorial Shoot ) và Chụp hình đơn giản ( Simple Shoot ).
Loại nào thì Food Stylist cũng phải dành thời gian làm đẹp và trang trí món như nhau nhưng chụp hình set-up Food Stylist phải làm thêm nhiệm vụ chuẩn bị đạo cụ xung quanh, chuẩn bị nguyên liệu, bát đĩa, dao dĩa, background, bối cảnh để đúng với yêu cầu đề bài đưa ra. Mọi thứ trong layout lúc này ngoài có nghĩa ra còn phải đẹp bố cục, thuận mắt người nhìn và đúng chủ đề của bức hình nhất.
Chính vì thế chụp hình Set up sẽ tốn nhiều thời gian hơn chụp hình đơn giản.
c. Loại và số lượng đạo cụ trong layout :
Có khách hàng muốn chụp đồ ăn Hàn Quốc set-up đạo cụ phải trông Hàn Quốc nhất.
Có khách hàng muốn chụp đồ ăn Tàu và set-up đại cụ phải trông Tàu nhất.
Có khách hàng lại muốn đồ ăn không cần thêm đạo cụ gì, chỉ cần sử dụng đạo cụ nhà hàng là đủ.
Với mỗi chủ đề khác nhau, Food Stylist sẽ phải tìm kiếm đạo cụ chính xác và phù hợp với chủ đề khác nhau. Điều này đòi hỏi Food Stylist cần có kiến thức tổng hợp của nhiều nền văn hoá ẩm thực trên thế giới. ( xem thêm tại Blog : Tại sao bạn nên trả nhiều tiền cho Food Stylist ).
Một số đạo cụ có thể kiếm được từ kho đạo cụ của Food Studio, nhiều đạo cụ phải đi mua, đi mượn. Chính vì điều đó mà Bùi cần biết để tính toán chi phí Pre Production chuẩn bị và mua đạo cụ nằm trong báo giá.
d. Hình ảnh ví dụ minh hoạ.
Đơn giản là bạn muốn hình ảnh như nào thì bạn nên tìm kiếm hình ảnh kiểu như vậy.
Đó là hành động rất cần thiết để giúp cho Food Photography, Food Stylist, Food Studio có thể hình dung được chính xác điều bạn mong muốn.
e. Hiệu ứng đặc biệt. ( Concept Art - Art Direction )
Sự thực thì có nhiều bạn khách hàng có cá tính, muốn những bức hình của mình trông thú vị, có chiều sâu ý nghĩa và có phần nhìn bắt mắt hơn những hình ảnh ẩm thực thông thường. Vì thế, bạn hãy tự hỏi mình xem, mình có muốn một Concept Art thú vị hay không?
Nhiều Food Studio như chúng tôi thường sẽ giải quyết vấn đề trên bằng trí tưởng tượng và sự sáng tạo của Art Director. Ví dụ cùng một đề tài về Trung Thu, chúng tôi đã xây dựng 04 Concept Art khác nhau cho từng khách hàng khác nhau
Tất nhiên mỗi layout này sẽ phức tạp hơn bình thường và tốn nhiều thời gian hơn.
Sau khi bạn tự trả lời cho mình 05 câu hỏi bên trên, hãy lưu nó lại, viết email và gửi cho Supplier mà đang định hợp tác. Supplier chắc chắn sẽ rất cảm kích với những thông tin tuyệt vời từ bạn. Đó là cách tốt nhất để hai bên có được những sản phẩm ưng ý. Hai bên hợp tác win-win, tay bắt mặt mừng, người cầm ảnh ra về vui vẻ, kẻ cầm lương ra đi thoải mái.
Với các bạn Freelancer, Food Studio, nếu khách hàng chưa hiểu, bạn hãy gửi email Tư vấn khảo sát với các câu hỏi bên trên. Thu thập thông tin và chuẩn bị kĩ càng không bao giờ là thừa với một Studio chuyên nghiệp. Từ từ từng bước một rồi dần dà khách hàng sẽ hiểu và vui vẻ thoải mái thôi mà!
Blog này có 02 phần, ở phần sau, tôi sẽ đề cập thêm về các câu hỏi :
6. Mình có cần một Concept ấn tượng không nhỉ?
7. Mình có cần đầu bếp để nấu các món này không?
8. Có cần thiết phải họp trước khi chụp hình hay không?
9. Ai sẽ là người giám sát buổi chụp hình nhỉ?
10. Mình lấy ảnh gốc về để dùng được không nhỉ?
11. Chụp hình ở nhà hàng hay Studio bây giờ nhỉ?