10 thủ thuật Photoshop mà Đức hay dùng nhất là gì? - Phần 01
Cuối tháng 11, không khí đã dần rạo rực xốn xang hơn.
Xốn xang và rạo rực cái gì cơ?
Ở cái xứ nóng và nóng hơn này, Giáng Sinh và mùa lễ hội đang tới thật gần, thật gần. Ngay cả văn phòng tôi, cách mấy tuần nay, tụi trẻ thi nhau bật và hát hò rôm rả mấy bài Giáng sinh an lành. Nào là Merry Christmas, Last Christmas,… Rạo rễ hết cả rồi.
…
Trái ngược với các anh công sở và các chị văn phòng, càng cuối năm thị trường chụp hình và dịch vụ hình ảnh lại càng nóng hơn với hàng loạt cửa hàng, cửa hiệu thi nhau trang trí, bày biện, make-over… vẻ ngoài Giáng Sinh. Các dự án F&B cũng không nằm trong ngoại lệ. Bởi vậy, cuối năm luôn là mùa cá kiếm của đám người dịch vụ như chúng tôi. Sau đợt này là tới Tết Dương, dăm bữa nửa tháng nữa là Tết Âm cả rồi.
Thôi vì mục tiêu một cái Tết ấm no, hạnh phúc cho … các cháu nhận lì xì, các em nhỏ rôm rả đi chơi và cha mẹ an nhàn món quà Tết mà cố cho kì được dăm ba cái Project. Đôi chân này, đôi tay này và trí óc này cần thiết phải minh mẫn vào lúc này.
Nhà bao việc nghỉ ngơi gì giờ này.
…
Dạo gần đây tôi hay nghe chương trình “Tâm Sự Kinh Doanh” trên Spotify, thấy bổ ích và đáng suy ngẫm.
Từ câu chuyện kinh doanh, tác giả nhân rộng ra câu chuyện về lẽ sống, về con người và đạo đức. Chương trình có tới 104 show và ra đều đặn vào mỗi sáng thứ 2 7h hàng tuần. Chột dạ ngẫm nghĩ, cũng có lần mình tự hứa bản thân 1 tuần ra một Blog rồi sau một thời gian, theo tiếng gọi của bác Hồ và bữa cơm có thịt, Blog cứ thế mất hút dần theo lời hứa có phần chai sạm cùa tôi. Chán đời cái tính kiên trì của bản thân.
Sau cùng, một vài tuần trở lại đây, tôi nhận được những comment chia sẻ về Blog của mình đã giúp mọi người thế nào trong con đường Food Photography đầy gian khó. Thôi thì cái máu và cái hứng nó lại nổi lên, mình lại viết một bài Blog mới toanh và tự hứa mỗi tối thứ 4 10h hàng tuần sẽ post đều không bỏ để cho bạn đọc thưởng thức.
Lời hứa này tới đâu xin mọi người hạ hồi phân xử.
…
Chủ đề ngày hôm nay, đúng như tên gọi :” 10 thủ thuật Photoshop mà Đức thường sử dụng nhất.”
Nhớ rằng, cách đây chừng 2 năm trước, tôi có viết một Blog về việc chỉnh sửa hình ảnh :Anh ơi retouch bao nhiêu là đủ.” Trong Blog này tôi có viết rằng, việc chỉnh sửa hình ảnh nên càng ít càng tốt và cố gắng chuẩn bị mọi thứ trước, trong buổi shooting càng nhiều càng tốt.
Nhưng nhỡ đâu mình đã chuản bị tốt lắm rồi mà vận đen nó cứ diễn ra. Bữa trước tôi có project chụp dăm ba quả cherry đòi hỏi sự chín mọng, căng tràn. Tuy nhiên, buổi chụp hình diễn ra quá lâu khiến cherry chết hẻo mất một nửa…
Hay đôi khi bạn đã quá mệt mỏi sau hai ngày chụp dài đằng đẵng. Bấy giờ là 7h tối, bạn đang cố gắng những chuẩn bị cho layout cuối cùng để về kịp bữa tối cùng người vợ tần tảo và bát canh cua nóng hỏi hương thơm. Thôi tặc lưỡi :”Kệ, về nhà em Photoshop lại được chị ơi.” rồi nhanh chóng đóng máy ra về. Ba ngày sau mở file lên và cả một bầu trời retouch chỉnh sửa mà bạn cần xử lí.
Làm sao bây giờ?
Thôi thì đọc Blog này, chúng ta sẽ cùng khắc phục những sự cố ngoài ý muốn như trên nhé.
Dưới đây là 10 thủ thuật Đức thường xuyên dùng cho tất cả các dự án của mình. Mỗi Photographer sẽ có một cách sử dụng riêng và những công cụ sử dụng thường xuyên. Bài viết này chỉ mang tính tham khảo. Có những vấn đề có thể sử dụng theo công cụ khác nhanh hơn nhưng với Đức :”Trăm hay không bằng tay quen.” Và cuối cùng bức hình mới là câu trả lời rõ ràng nhất nhé.
Bài viết này cũng không mang tính chất hướng dẫn sử dụng công cụ hay hàn lâm như SGK Photoshop căn bản, Đức chỉ highlight những điểm nhỏ cần thiết cho Food Photography nên nếu bạn chưa hiểu rõ về công cụ có thể Google để biết thêm nhé.
Vì Blog dài nên mình sẽ chia làm 3 phần.
…
01. Trình tự chỉnh sửa một hình ảnh ẩm thực.
Các cụ nhà mình đã có câu :”Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Đại khái là làm gì cũng có trình có tự. Chỉnh sửa hình ảnh cũng không ngoại lệ.
Sau một thời gian dài làm nghề và kinh qua nhiều bể khổ về retouch cả chục round thì Đức kết luận ra 04 bước chính cần thiết để chỉnh sửa một bức ảnh food đẹp tiêu chuẩn. Còn hoàn hảo hay không lại phụ thuộc nhiều vào thị giác, trái tim, khối óc và một cái đầu không vướng bận áo cơm gạo tiền. Đại để là mỗi người tuỳ hoàn cảnh sẽ có một guu hoàn hảo riêng. Giống như việc ông Đức thích ăn bún đậu với đặc sệt mắm tôm và chút đường, bà Ngọc lại chỉ thích ăn với thanh tao nước mắm thêm chút chanh ớt. Ai cũng ngon ai cũng đúng.
Các bước như sau :
Bước 1. Ghép Stock / Reform.
Đây là bước cơ bản.
Bạn chụp bao nhiêu hình cho một layout thì bạn cần ghép lại cho đầy đủ.
Bạn chụp môt tấm sáng, một tấm tối, một tấm đẹp món ăn, một tấm đẹp nước mắm,... Ghép lại cho bằng hết. Sau đó thì Reform. Cái gì cần to, cho to hơn, cái gì dài, cho dài hơn...
Bước 2. Clean-up.
Ở bước này, chúng ta cần dùng một chút tà ma thủ thuật để PTTM cho món ăn. Đại khái là xoá bụi, làm mờ nếp nhăn, làm hồng… tất cả làm hết ở bước này.
Bước 3. Contrast / Saturation.
Đây là bước quan trọng nhất với Đức quyết định 70% retouch của bức hình.
Bước này là cân bằng lại toàn bộ tương phản của bức ảnh ẩm thực với công thức thế nào đọc thêm bên dưới sẽ rõ.
Bước 4. Detail.
Như tên gọi, ở bước này Đức sẽ đi sâu hơn vào chi tiết từng nguyên liệu, chât liệu có mặt trong khung hình. Quả Cherry cần đỏ, cho đỏ thêm. Món Steak cần hồng, làm hồng thêm chút xíu mà không ảnh hưởng đến toàn bộ bức hình.
Bước 05 : Color Grading / Effect
Hai bước này Đức hay gộp làm một. Các anh em nhiếp ảnh thường là thích chỉnh màu này nhất. Có đến cả nghìn group chia sẻ màu sắc và preset để làm cái bước này. Bước này cũng hay, nhưng trong food photography thì ko quan trọng bằng 4 bước trên. Như thế nào hạ hồi sẽ phân xử dần dần.
…
02. Camera Raw / Clarity và Texture.
Camera Raw là gì?
Mình hay gọi nó là một Lightroom dạng thu nhỏ của Photoshop bằng cách kết hợp tổ hợp phím Command + Shift + A (Ctrl+Shift+A). Lúc này nó sẽ phọt ra một cái cửa sổ một nùi công cụ như thế này.
Mình có thể làm nhiều thứ với nó. Tăng contrast 1 tý , tăng sáng 1 tý, giảm màu 1 tý, nói chung là vân vân và mây mây.
Nhưng thôi nào, dễ vậy chúng ta chú ý làm gì? Hãy nhìn vào 2 thằng ku này, đây là 2 cái mà mình đặc biệt chú ý và quan tâm.
Clarity : Cái công cụ này đại khái nôm na trong Food Photography là làm cho background thêm phần texture, bát đĩa thêm chi tiết, da người thêm chai sạm khắc khổ và đồ kim loại thêm phần kim loại hơn.
Mình sử dụng nó hầu như mọi tấm hình, cường độ thì mỗi hình một kiểu nhưng đại khái là luôn có.
Nhược điểm của Clarity là hay bị xám xịt và đen viền. Kéo nhiều sẽ tạo cảm giác bị khô cho món ăn, thiếu sức sống ( cái này kinh nghiệm sương máu của Đức luôn, những ngày đầu chụp Food cứ thỏa sức kéo tới Khô héo quắt queo thì thôi.)
…
Texture : Một công cụ mới ra mắt trong phiên bản Camera Raw mới nhất khi các bác Adobe có vẻ dần quan tâm chút xíu đến anh em Food Photographer. Cái này siêu hay và siêu sịn. Đúng như tên gọi, nó là Viagra của Texture.
Mấy miếng Sandwich mềm oặt ư, kéo lên tý là cứng cáp hẳn. Mấy miếng da gà giòn tan ư, kéo thêm chút nữa là giòn hơn hẳn.
“Ai không tin, về nhà mình cho kéo thử.”
03. Curves / RGB.
Curves là gì?
Curves là đường cong. Mà đàn ông thô kệch ai chả thích đường cong nên dường như công cụ này chưa bao giờ là thừa và đủ đối với Đức.
Curves / RGB có tác dụng gì?
Mình rất rất rất thường xuyên sử dụng với tất cả các mục đích liên quan đến tương phản của bức hình. Việc tăng contrast trong ẩm thực là một điều bắt buộc đối với mình.
Theo Đức, một tấm hình Food hấp dẫn là tấm hình có Contrast hoàn hảo theo định luật dưới đây do Đức tự nghĩ ra:
“Phần sáng nhất phải gần tới mức cháy và phần tối nhất phải gần tới mức đen nhất!”
Và đây là kết quả…
Có nhiều bạn cũng có thể sử dụng công cụ khác gần giống như Camera Raw hay Level. Tùy bạn. Miễn sao tấm hình đủ tương phản là được nè.
Sau 03 bước đầu tiên của bài này, chúng ta tóm gọn lại một số kết luận sau.
Lời khuyên của Đức Bùi :
Ghép Stock / Reform -> Clean-up -> Contrast -> Detail -> Color Grading.
Muốn tăng Texture thì tìm đến anh em nhà Camera Raw : Clarity / Texture.
Cân bằng tương phản là điều bắt buộc và quan trọng nhất trong Food Photography.
Định luật Contrast :”Phần sáng nhất phải gần tới mức cháy và phần tối nhất phải gần tới mức đen nhất!”
Mỗi người sẽ có một cách chỉnh sửa hình khác nhau. Bạn có thể dùng Lightroom, bạn có thể dùng Capture One,… riêng Đức, Đức vẫn luôn chọn Photoshop và cố gắng master nhất có thể Photoshop. Hãy cố tập trung vào một phần mềm và giỏi nhất có thể ở phần mềm đó. Sau cùng tấm hình cuối cùng sẽ là kết quả.
Một câu hỏi nhỏ, theo các bạn, Đức có nên làm Radio bài Blog này để bạn đỡ phải đọc chữ mà chỉ nghe và làm theo hay không?