Học gì để trở thành Food Photographer!? ( Tôi đã trở thành Food Photographer như thế nào!? ) - Phần 01

Tiêu đề 2-01.png

“Anh ơi! Em phải làm gì để trở thành nhiếp ảnh gia ẩm thực!?”

“Anh ơi nhiếp ảnh gia ẩm thực có cần phải biết nấu ăn không!?

“Food Photographer phải học gì ạ!?”

893244_561079290626665_1015572274_o.jpg

6 năm trước, tôi là anh sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội đam mê nhiếp ảnh.

Như bao người khác, tôi khao khát được thể hiện bản thân, được sống chất, được sống khác biệt, được kiếm ra tiền, thật nhiều tiền từ niềm đam mê của chính tôi.

Tôi chụp tất cả mọi thứ có thể kiếm ra tiền.

Kỉ yếu, lookbook, phóng sự, chân dung,… mỗi lần được 500 nghìn đến 1 triệu, 2 triệu đồng. 

Mỗi tháng mẹ cho 2,5 triệu. 500 nghìn đóng tiền thuê nhà, 2 triệu tôi dành cho việc ăn uống, tiêu pha, sinh hoạt.

Anh sinh viên lần đầu cầm thù lao chụp hình trong tay, vui sướng và nghĩ rằng :” Ôi mẹ cho 2 triệu một tháng mà đi chụp 1 lần đã có 2 triệu rồi, thế này thì ăn sao hết được nhỉ !???” 

Nhiếp ảnh trong đầu tôi lúc bấy giờ đơn giản là sự cầm máy ảnh với lens càng dài càng tốt, máy càng ít chữ càng tốt, chụp càng nhiều càng tốt và kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Không hề có định nghĩa rõ ràng.

Ế show là điều đương nhiên.

...

44085480_2163203520414226_732180907653332992_o.jpg

6 năm sau, tôi định nghĩa thương hiệu của mình là Nhiếp ảnh gia Ẩm thực ( Food Photographer )

Tôi có được làm công việc thú vị nhất thế giới.

Nói vui thì là :”Được ăn, được nói, được gói mang về.”.

6 năm, đã có lúc tôi từ bỏ, có lúc làm design, lúc lại làm dựng phim để kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, tôi không hối tiếc bất cứ điều gì trong chuỗi ngày đam mê nhiếp ảnh của mình.

Vậy tôi đã làm gì để trở thành Nhiếp ảnh gia Ẩm Thực!?

Hay nói cách khác, tôi học gì để trở thành Nhiếp ảnh gia Ẩm Thực!?

Hãy cùng tôi đi ngược dòng thời gian một chút về những cột mốc cách đây 6 năm để xem xem, một Nhiếp ảnh gia Ẩm thực cần gì và hình thành như thế nào nhé!?

Cột mốc số 01 : Học vẽ, hình họa và Graphic Design.

Đam mê hội họa từ nhỏ, năm lớp 10, tôi gia đình cho học vẽ chì ở lớp của một thầy giáo già với mái tóc bạc, dài và cặp kính tròn đen ; giống hệt như những nghệ sĩ, nhạc sĩ thành danh bước ra từ chương trình truyền hình. Thầy rất nổi tiếng ở Nam Định lúc bấy giờ.

Tôi mong muốn thi vào trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Tôi chăm chỉ. Tôi vẽ cũng đẹp. Tôi cũng tự tin với khoản vẽ của mình.

Với cái đà này, tôi nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng đậu Đại Học Kiến Trúc thôi.

 …

Cho đến một ngày, một chị gái xinh đẹp bỗng đâu xuất hiện.

Chị hơn tôi một tuổi, học cùng lớp vẽ với tôi. Bản năng đàn ông trỗi dậy, tôi đến lớp chăm chỉ hơn bình thường, sớm hơn bình thường nhưng chỉ với mục đích là gặp và trò chuyện với chị.

Tôi bỏ học vẽ một năm sau đó với lí do chị nghỉ học.

Rồi tôi thi khối A, không liên quan gì đến vẽ cả.

Tuy nhiên, cũng chính 1 năm học vẽ này, tôi tạo dựng cho mình nền tảng về mỹ thuật và hình khối. Đó là bước khởi đầu đầu tiên trong cuộc đời tôi để tạo dựng tư duy hình họa và bố cục.

Hoài Bão - Người truyền cảm hứng cho tôi về Graphic Design

Hoài Bão - Người truyền cảm hứng cho tôi về Graphic Design

Lên đại học, dù học khối A nhưng tôi vẫn giữ cho mình niềm đam mê hội họa. Tôi chơi nhiều với bạn bè khối H ( Mỹ Thuật ) và Khối K ( Kiến Trúc ).

Bấy giờ, một người bạn thân của tôi – Graphic Designer Hoài Bão đã truyền cảm hứng cho tôi về thiết kế. Chúng tôi rất thân, có làm với nhau vài Project. Tôi chợt nhận ra Graphic Design cho tôi thật nhiều thứ sáng tạo, hơn hẳn những con số, những cách tính cốt thép, những bài toán tính độ cong kết cấu và cầu đường.

Tôi tham gia Ban truyền thông Đại Học Kiến Trúc Hà Nội để thường xuyên làm thiết kế poster, banner,… cho hội. Tôi cũng kiếm thêm thu nhập bên ngoài nhờ làm thuê thiết kế cho các Hội khác như Tình nguyện, Sinh viên, Rockfire,…. Đây mới chính là niềm đam mê bấy giờ của tôi.

1 năm học hình họa và 3 năm tự học và làm graphic design, tôi dần hiểu ra quy luật căn bản của hình khối và layout. Từ đó hình thành mắt nhìn hình khối và khả năng căn chỉnh bố cục. Đó là điều kiện cần để Food Photographer sáng tạo layout, đặt bố cục món ăn, thêm thắt đạo cụ, nguyên liệu phù hợp cho set hình.

Để tôi lấy ví dụ sau :

Khách hàng thấy…

Khách hàng thấy…

Tôi thấy…

Tôi thấy…

Khách hàng thấy…

Khách hàng thấy…

Tôi thấy…

Tôi thấy…

Không sai khi nói rằng, một Nhiếp ảnh gia Ẩm thực cần có tư duy mỹ thuật và hình họa. Với một đĩa đồ ăn tròn hay vuông, khối cầu hay mặt phẳng dẹt, đặt ở góc bàn hay trên back ground, bạn đều cần phải hình dung được hình khối của đồ ăn để đặt cho chính xác bố cục.

Mọi món ăn, mọi kết cấu đồ ăn, mọi layout đều được cấu tạo bởi hình khối. Và nó chính là căn bản nhất để bạn xác định một bố cục đẹp, styling món ăn đẹp. 

Học gì !?

  • Food Photographer giỏi cần phải có tư duy về hình họa, bố cục và hình khối.

  • Bạn có thể tự trau dồi, tự học hỏi hoặc đi học các lớp ngắn hạn về Graphic Design.

  • Bạn không cần có năng khiếu, bạn cần tập trung và cần cù để hiểu ra được chân lí của layout trong nhiếp ảnh ẩm thực.

Học Hình họa và Graphic Design ở đâu !?

Hiện tại có thật nhiều trung tâm dạy và hướng dẫn cơ bản về Graphic Design. Bạn có thể chỉ cần học 1 kì hoặc 1 năm để có thể hiểu và cảm nhận được tư duy hình khối này.

Một vài trung tâm uy tín :

Hoặc như tôi, đam mê Graphic Design và tự học trên Youtube, Internet, qua bạn bè. Miễn là bạn có được hiệu quả tốt nhất và nhanh nhất.

Cột mốc số 02 : Kiếm tiền từ Nhiếp ảnh.

Năm 03 đại học, tôi tiếp cận đến nhiếp ảnh lần đầu qua một số bạn bè cùng lứa. Mọi người bấy giờ ưa chuộng Canon và đặc biệt phải là Canon để dễ dàng mượn lens của nhau khi cần.

Tôi cũng khao khát, thèm muốn có được một chiếc máy Canon như vậy.

Và rồi tôi cũng có được chiếc máy ảnh đầu tiên : Canon 30D và 50 mm f1.8 huyền thoại. Bắt đầu từ việc chụp linh tinh xóa phông, bạn bè, chụp giúp, chụp hộ,… tôi chuyển qua chụp chân dung lấy tiền với những khách hàng đầu tiên 200k, 300k 1 buổi. Rồi 500k, 800k…

Tận dụng chiếc máy ảnh triệt để, tôi chụp tất cả mọi thứ để kiếm ra tiền.

Tại sao tôi lại nói về việc kiếm tiền bằng Nhiếp ảnh???

Khi chụp kiếm tiền, tôi tự bắt mình phải hoàn thiện mọi thứ.

Tự đặt mình vào trách nhiệm và áp lực của đồng tiền, tôi phải bằng mọi giá làm cho sản phẩm được khách hàng công nhận. Chính vì thế, tôi phải hiểu rõ ràng và tường tận nhất về thiết bị mình đang sở hữu. Tôi phải hiểu được về ánh sáng, cơ chế chụp hình của máy ảnh cơ ; từ đó đưa ra những thông số hợp lí nhất để hoàn thành buổi chụp hoàn hảo nhất.

Đó chính là cách nhanh nhất để tôi thành thạo kiến thức cơ bản về Nhiếp ảnh.

 …

Đam mê là tốt nhưng tôi nghĩ rằng, vừa đam mê, vừa có được kĩ năng , vừa có được số tiền để trang trải niềm đam mê đó thì còn tuyệt hơn cả ngàn lần.

Học gì !?

  • Học về nhiếp ảnh căn bản bằng cách kiếm tiền.

  • Kiếm tiền từ niềm đam mê, lấy số tiền kiếm được để nuôi dưỡng đam mê.

Học nhiếp ảnh ở đâu !?

Hiện nay có thật nhiều cách để bạn học về Nhiếp ảnh căn bản.

Youtube, Google hoàn toàn không thu phí và rất dễ áp dụng.

Nếu bạn muốn chỉ mặt đặt tay dễ dàng hơn thì có thể tham gia những Workshop ngắn hạn về Photography như Học viện nhiếp ảnh thương mại Chimkudo https://hocviennhiepanh.com/ hay các Nhiếp ảnh gia khác như Anh Yu,…

Tuy nhiên, cần luyện tập liên tục để giữ lửa đam mê. Đó là điều kiện đủ.

Cột mốc số 3 : Bạn Đồng hành cùng học nhiếp ảnh Ẩm Thực. Teamwork.

Ngày 1/1/2016, tôi debut với vai trò Food Photographer và nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ mọi người qua Project cá nhân đầu tiên.

Nhưng để có được sự ủng hộ này, 6 tháng trước đó, tôi và bạn đồng hành của mình – Food Stylist Meo Thùy Dương đã chơi với nhau một canh bạc. Một canh bạc mà tôi nghĩ đó là sự nỗ lực liều mạng quan trọng nhất của cuộc đời.

Tôi và Dương đã làm gì!? 

Không phải nó ủ rũ hay sướt mướt tình cảm li biệt đẫm lệ.

Đó là một sự lựa chọn.

Một là cùng nhau cố gắng hết sức luyện tập Food Photography trong 06 tháng, cho ra Project cá nhân đầu tiên và chờ đợi sự đón nhận từ phía khách hàng tiềm năng.

Hai là không gì cả. 6 tháng kết thúc không có gì. Không nhận được sự hưởng ứng thì ai về nhà nấy. Tôi trở lại với anh kĩ sư cầu đường hằng ngày xử lí con số con má ; Dương trở về với cái logo, bộ nhận diện và sự quát nạt hằng ngày của lão sếp khó tính.

Đó là một canh bạc của sự lựa chọn.

Bởi lẽ, lúc này tôi cũng đã bảo lưu kết quả Đại Học trong 6 tháng. Dương quyết định nghỉ việc Graphic Designer tại Arena Multimedia. Chúng tôi ít nhất phải sống vì đam mê một lần. Bây giờ hoặc không bao giờ!

Trong 6 tháng này, chúng tôi nghiên cứu, thử nghiệm và tìm kiếm chân lí về Food Photography.

Những ngày đầu tiên rất vất vả, phân vai, teamwork không rõ ràng khiến tôi và Dương rất khó chịu về cách làm việc chung. Tôi muốn Dương làm theo bố cục này, Dương muốn tôi làm theo thứ ánh sáng này.

Mới bắt đầu ai cũng khó khăn cả, chúng tôi cãi nhau, bỏ cuộc, giận dỗi triền miên.

Tất nhiên, những shots hình đầu tiên không làm chúng tôi hài lòng. Bởi lẽ, dù đã làm đủ mọi cách, chúng tôi cũng không thể cho ra được một tấm hình hoàn hảo như Pinterest. Chán nản và mong muốn bỏ cuộc.

Ai lại đi chọn cái nghề mà lúc bấy giờ còn chưa rõ hình hài, tương lai, hay thị trường!???Lúc đó chỉ có sự liều lĩnh của tuổi trẻ, sự mạnh mẽ của bản thân và sự khó tính của cả hai cá nhân để giúp chúng tôi tiếp tục bám lấy Food Photography.

Đã không biết bao nhiêu lần tôi đã muốn bỏ cuộc, trở về với cuộc sống an toàn hơn. Để rồi mỗi lần như vậy, chúng tôi lại động viên nhau, cố gắng hết lần này tới lần khác.

Tôi còn nhớ, bao nhiêu tiền đi chụp shop, look book, design,.. chúng tôi đều bỏ ra mua nguyên liệu, đồ ăn, props, thiết bị để thử nghiệm. Có con gà mua về để thử chụp Gà Tây. Chụp xong thì trời đã tối, bụng đói meo mà con gà đã quét đủ các loại dầu, loại màu sắc, phụ gia trong một ngày dài thử nghiệm. Đành ngậm ngùi nhìn nhau cười cười rồi đi nấu bát mỳ tôm ăn.

Đó là khoảng thời gian thật tuyệt!

Nhưng chính vì sự khó tính của cả Dương và tôi mà chúng tôi không chấp nhận những sản phẩm không tốt. Chúng tôi nhìn nhau, trò chuyện với nhau, chỉ cho nhau đâu là cái đẹp, đâu là cái ngon mắt, đâu là cái sai và cần khắc phục trong mỗi tấm hình thử nghiệm. Tôi và Dương hoàn thiện nhau hơn qua các Project. 

Sự phân vai bắt đầu rõ ràng. Teamwork đã dần trơn tru.

Dương định hình mình là Food Stylist. Với sự khéo ta, thông minh cũng như ham học về ẩm thực, Dương ngày càng thể hiện mình có năng khiếu và tài năng trong việc làm Food Stylist.

Tôi là định hình Food Photographer. 

Một cặp đôi hoàn hảo trong giới Nhiếp ảnh Ẩm Thực.  

Sau 3 năm làm việc với nhau, chúng tôi hiểu nhau rất rõ ràng trong công việc. Thậm chí rằng, chỉ cần nhìn một món ăn, chúng tôi sẽ đưa ra cùng lúc một Direction giống nhau cứ như thể đã bàn bạc với nhau từ trước.

Tôi luôn cảm thấy may mắn và tự hào khi ngày đó đã làm việc cùng Dương.

Screen Shot 2019-04-14 at 4.41.02 PM.png

Học gì !?

  • Tìm một người bạn đồng hành ngay! Có thể là Food Stylist, có thể là Chef nhưng tuyệt nhiên phải có 2 người để hỗ trợ nhau trong công việc.

  • Cùng xuất phát điểm khám phá Food Photography sẽ giúp cả hai tiến bộ nhanh và hiểu nhau rõ hơn.

  • Học cách teamwork. Phân vai công việc rõ ràng.

  • Chia chác tiền song phẳng. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều team tan vỡ không phải vì không hiểu nhau mà vì chia tiền không đàng hoàng. Người làm ít làm nhiều.

 

 
Deto Concept ra đời!

Deto Concept ra đời!

4 tháng sau ngày 1/1/2016, chúng tôi nhận thấy mình cần phải có tên gọi chung cho công việc của cả hai.

Đó là lúc Deto Concept ra đời.

Deto là viết tắt của Design Together ; nhắc chúng tôi nhớ rằng mình cũng đều xuất phát từ Graphic Designer.

Deto bắt đầu bằng chữ D - đó là tên chữ cái đầu tiên của cả 2 trong bảng chữ ( Đức và Dương ).

Concept là nhằm định vị chính xác hướng đi của Deto. Chúng tôi mong muốn mỗi Project mới đều mang một Concept mới, một thông điệp rõ ràng, một góc nhìn khác lạ về Ẩm Thực.

Deto Concept là như vậy.

Chúng tôi đã học Food Photography cùng nhau như thế nào, những cách để làm việc cùng nhau và một số cột mốc khác để tôi trở thành Food Photographer như ngày hôm nay thế nào, mời bạn đọc ở phần 02 của blog này nhé.

Phần 2 đọc tại đây!

Chúc bạn kì nghỉ lễ Vua Hùng vui vẻ.

duc bui3 Comments